Có thể nói bối cảnh hiện tại không khác gì “sống chung với dịch”. Mặc dù Y tế đã tích cực để chống dịch tuy nhiên việc trẻ nhỏ đến trường trong giai đoạn này cũng là điều mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Vậy biện pháp nào là hữu dụng để trẻ tăng cường sức để kháng trẻ nhỏ khi “thả” rông trẻ ngoài xã hội hiện nay?
Trẻ quay trở lại trường- Nguy cơ mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền khác như thủy đậu, tay chân miệng, sởi, cúm mùa,…hiện hữu. Tăng cường sức đề kháng trẻ nhỏ thế nào để phòng tránh bệnh tật là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống với TTƯT. ThS. BS. Lê Thị Hải- Chủ tịch hội Dinh dưỡng Nhi khoa.
PV- Chào bác sĩ! Bên cạnh dịch COVID -19 vẫn diễn biến khó lường, thì những bệnh theo mùa khác cũng gây nguy cơ cho sức khỏe của trẻ em. Đây là điều nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ bắt đầu quay trở lại trường học. Xin bác sĩ cho biết việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ có vai trò thế nào trong phòng chống lại các tác nhân gây bệnh?
TTƯT. ThS. BS. Lê Thị Hải: Tăng cường sức đề kháng có vai trò quan trọng với tất cả mọi người trong đó có trẻ em, giúp chúng ta phòng chống các tác nhân gây bệnh như SARS- CoV-2 gây bệnh COVID-19, các virus, vi khuẩn gây bệnh cúm, thủy đậu, tay chân miệng,…
Sức đề kháng trẻ nhỏ hay hệ miễn dịch của cơ thể chính là tấm khiên chống lại bệnh tật một cách hữu hiệu. Để củng cố hệ miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức đề kháng phòng chống bệnh tật có nhiều biện pháp, bao gồm lối sống và dinh dưỡng. Với trẻ em, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng.
Cơ thể trẻ em còn non nớt, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị tác nhân gây bệnh xâm nhập. Một em bé hay ốm vặt, dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp,… Là biểu hiện của hệ thống miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt. Nếu trẻ được nuôi dưỡng tốt với một chế độ dinh dưỡng đúng, phát triển tốt về thể chất, đạt cân nặng và chiều cao tiêu chuẩn thì chắc chắn là có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với việc tăng cường sức để kháng trẻ nhỏ, tại sao lại thế? Bởi vì 70% các tế bào miễn dịch của chúng ta nằm trên đường tiêu hóa, nên muốn hệ miễn dịch khỏe mạnh thì chúng ta phải có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mà điều này liên quan rất nhiều tới những gì chúng ta đưa vào miệng.
Cổ nhân có dạy rằng: Bệnh từ miệng mà vào. Do đó việc lựa chọn thức ăn, ăn như thế nào gần như là quyết định sức khỏe của hệ tiêu hóa. Nếu chúng ta không đảm bảo được cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn tại trường học sẽ dẫn tới nguy cơ trẻ mắc các bệnh như ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ…
Những thức ăn ôi thiu, thức ăn nhiễm vi sinh vật, nhiễm hóa chất độc hại,… tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và cuối cùng sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch. Như vậy, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm cho các trẻ ăn bán trú tại trường, các trẻ mầm non rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng.
PV- Thưa BS, vậy cần xây dựng chế độ dinh dưỡng như thế nào để tăng cường sức đề kháng cho trẻ em?
TTƯT. ThS. BS. Lê Thị Hải: Đầu tiên chúng ta cần cung cấp đầy đủ protein (chất đạm). Bởi bản chất của kháng thể là protein cho nên nếu không cung cấp đủ chất đạm cho cơ thể thì cơ thể không đủ protein để hình thành kháng thể, mà thiếu kháng thể thì cơ thể trẻ sẽ không có sức đề kháng bệnh tật, nhất là các loại bệnh truyền nhiễm.
Thứ hai là cần cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Từ lâu chúng ta đều biết các vitamin hàng đầu tăng cường sức đề kháng và miễn dịch là vitamin A, D,C, E. Đấy là những vitamin không những làm tăng sức đề kháng mà còn tham gia vào hình thành hệ miễn dịch, giúp cho hệ miễn dịch phát triển.
Ngoài vitamin ra còn có các chất khoáng như kẽm, selen, canxi, sắt,… cũng là những vi chất rất quan trọng tham gia vào tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy trong bữa ăn hàng ngày của trẻ, bố mẹ nên bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất nói trên.
Các vitamin, khoáng chất này lấy ở đâu? Trong các thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày: Thịt, cá, tôm nhất là hải sản rất giàu kẽm, sắt, vitamin A, D; các rau, củ, quả như cà rốt, cam quýt, bưởi, rau lá thẫm đều giàu vitamin A, E, C; các sản phẩm từ sữa…
Việc bổ sung vitamin và khoáng chất tốt nhất vẫn là qua con đường tự nhiên, bằng thực phẩm ăn vào hàng ngày.
Ngoài ra, bổ sung lợi khuẩn cũng rất quan trọng trong thực đơn hàng ngày của trẻ. Mỗi ngày nên cho trẻ ăn 1-2 hộp sữa chua. Trong sữa chua ngoài các chất dinh dưỡng, vi chất như đã nói ở trên còn cung cấp cho cơ thể các lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chống lại tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Bản thân lợi khuẩn cũng tham gia vào tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể cũng như giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Còn một yếu tố nữa trong chế độ dinh dưỡng, đó là nước. Cơ thể trẻ cần được cung cấp đủ nước hàng ngày. Thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm hệ miễn dịch. Lưu ý là cho trẻ uống nước ấm vào mùa đông, nước nhiệt độ vừa phải vào mùa hè.
PV- Ngoài chế độ dinh dưỡng, bác sĩ còn lời khuyên nào cho các cha mẹ để nâng cao sức đề kháng phòng ngừa bệnh tật cho trẻ?
TTƯT. ThS. BS. Lê Thị Hải: Ngoài chế độ dinh dưỡng ra, cha mẹ cần lưu ý tới các biện pháp khác giúp tăng cường miễn dịch. Đó là ngủ đủ giấc, tăng cường vận động, tránh stress…
Đối với giấc ngủ của trẻ, cần lưu ý chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ phải phù hợp lứa tuổi. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ miễn dịch của cơ thể. Tiếp đến là tăng cường vận động, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao.
Vận động góp phần tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng, lưu thông khí huyết giúp tăng miễn dịch. Cho trẻ ra ngoài trời chơi, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ giúp tổng hợp vitamin D, một chất rất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch.
Cha mẹ cũng nên tránh gây áp lực cho con trẻ, khiến trẻ bị căng thẳng, stress cũng là một nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch. Yếu tố tinh thần cũng góp phần quan trọng nâng cao hệ miễn dịch nên cha mẹ cần tạo cho trẻ một đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.
Và một biện pháp khác rất quan trọng là tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ. Tiêm vaccine là biện pháp khoa học và hữu hiệu nhất để giúp tăng sức đề kháng , giúp trẻ không mắc và chống lại các căn bệnh truyền nhiễm.
Xem thêm: THÔNG TIN MỚI VỀ VẮC XIN CHO TRẺ TỪ 5 – 11 TUỔI
PV- Những trẻ đã mắc COVID-19 có cần chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để nâng cao thể trạng và tăng cường miễn dịch không?
TTƯT. ThS. BS. Lê Thị Hải: Trẻ mắc COVID-19 trên thực tế đa phần đều ở thể nhẹ. Một số ít trẻ bị thể nặng hoặc có các triệu chứng hậu COVID.
Nếu trẻ hậu COVID có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, ho kéo dài, khó thở, khó tập trung… thì cần đi khám để có hướng điều trị. Trẻ chán ăn sau COVID có thể cần bổ sung lợi khuẩn, men tiêu hóa, cha mẹ nên chuẩn bị thực đơn những món ăn mà trẻ thích ăn, cho trẻ ăn nhiều bữa bổ sung. Chán ăn có thể khiến trẻ bị sụt cân nên cần lưu ý khắc phục. Ví dụ như cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Tăng cường hoa quả, rau xanh, chất đạm… Chế độ ăn cần đảm bảo nguyên tắc cân bằng, hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thực phẩm.
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng trẻ bị COVID cần ăn nhiều hơn để chống lại bệnh tật nhưng nếu trẻ bình thường đã đủ cân nặng, chiều cao thì không cần thiết bồi dưỡng quá nhiều. Thực tế cho thấy nhiều trẻ sau thời gian COVID lại tăng cân quá mức, mà thừa cân, béo phì là kẻ thù của hệ miễn dịch. Cần xem xét thể trạng của từng trẻ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Ngoài ra, dù trẻ đã mắc COVID nhưng do virus sẽ luôn biến đổi, khả năng tái mắc COVID với chủng virus mới là có. Trong thời gian này cũng có những bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa, thủy đậu, tay chân miệng có thể phát triển thành dịch. Vậy nên cha mẹ vẫn luôn nhắc nhở và đảm bảo con tuân thủ các biện pháp phòng dịch như 5K.
Đọc bài gốc tại đây!