Hiện nay, Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Mặc dù chưa bùng phát nhưng căn bệnh này đang là nỗi lo lắng của nhiều gia đình có con nhỏ.
Trong những ngày gần đây, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục tiếp nhận các trường hợp bị mắc bệnh tay chân miệng. Triệu chứng cơ bản của các bệnh nhân này là sốt cao, không cắt cơn. Trong đó, nhiều cháu mới chỉ trên dưới 1 tuổi như: Cháu Nguyễn Hữu Bình Nguyên – 11 tháng tuổi, trú tại thôn Bàu Lá, xã Thạch Đài (Thạch Hà); cháu Đặng Hải Nam – 15 tháng tuổi, trú tại thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc (Can Lộc)… Các cháu đều vào viện trong tình trạng đã mắc bệnh nhiều ngày và trở nặng.
Chị Trần Thị Mai – mẹ của cháu Đặng Hải Nam chia sẻ: “Trong thôn có một vài cháu có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ nên điều trị tại nhà khỏi, con tôi bị nặng nên gia đình đưa cháu vào bệnh viện điều trị cho yên tâm. Hiện tại các mụn nước đã sắp khỏi, cháu cũng đỡ sốt và ăn uống được”.
Thông tin từ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận 9 bệnh nhân tay chân miệng. Khi mới nhập viện, các bệnh nhân đều sốt cao, không cắt cơn, có biểu hiện giật mình, mệt mỏi, quấy khóc. Qua điều trị, các bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.
Ths. Dương Văn Giáp – Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện mệt mỏi, sốt từ nhẹ đến cao 39 – 40 độ, sau đó, xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, tiếp đó ở bàn chân, bàn tay, mông cũng xuất hiện các mụn nước, bọng nước, không gây đau rát. Bệnh có thể biểu hiện thể nhẹ dưới dạng tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc ở những thể nặng như tổn thương thần kinh biểu hiện như: li bì, giật mình, yếu liệt chi, thậm chí rất nặng như tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn với biểu hiện khó thở, phù phổi cấp.
Vì vậy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu trẻ phải nhập viện điều trị, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để trẻ nhanh khỏi và phòng ngừa biến chứng”.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và cách điều trị hỗ trợ. Thông thường bệnh diễn biến trong vòng 1 tuần đến 10 ngày thì các triệu chứng sẽ hết.
Hằng năm thông thường có 2 đợt dịch bùng phát bệnh tay chân miệng vào khoảng từ tháng 4 – tháng 6 và khoảng tháng 8 đến tháng 10.
Theo Th.s Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các phương pháp sau để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng: Thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như chén, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên ngâm rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.