Kháng sinh là gì? F0 có dùng kháng sinh được không?

KHÁNG SINH LÀ GÌ? F0 CÓ DÙNG KHÁNG SINH ĐƯỢC KHÔNG?

Kháng sinh cần được sự hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ/dược sĩ, dĩ nhiên nó không phải là loại thuốc bạn có thể tùy tiện uống. Để đề phòng nguy hiểm không mong muốn, kháng sinh cần được uống đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng thời gian. Để tìm hiểu chi tiết hơn về kháng sinh, bài viết hôm nay sẽ liệt kê chi tiết về kháng sinh cũng như F0 có uống kháng sinh được không.

Vậy kháng sinh là gì?

Kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là phổ hẹp.

Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác. Các loại thuốc kháng sinh được chế xuất dưới dạng thuốc uống viên nén, dạng lỏng được truyền hoặc tiêm vào cơ thể. Tùy theo nhu cầu của người bệnh để lựa chọn các loại thuốc sử dụng mang đến hiệu quả.

Thuốc kháng sinh có 3 cách dùng như sau:

  • Đường uống: có thể là viên nén, viên nang hoặc hỗn dịch uống.
  • Dùng ngoài: có thể là kem bôi, thuốc mỡ, thuốc xịt dùng trên da hoặc thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai.
  • Đường tiêm: tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch; dùng cho những bệnh nhân nhiễm trùng nặng.
  • Đường đặt âm đạo: viên đạn, viên trứng mềm.

kháng sinh là gì? thuốc kháng sinh là gì?

Tác dụng của kháng sinh?

Bác sĩ thường chỉ định kháng sinh để điều trị các tình trạng nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng ở tai và xoang
  • Nhiễm trùng hô hấp trên, dưới
  • Nhiễm trùng da
  • Nhiễm trùng răng
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm màng não
  • Viêm họng liên cầu khuẩn
  • Nhiễm trùng bàng quang và thận
  • Viêm phổi do vi khuẩn
  • Ho gà…

Đa số các vi khuẩn sống tự nhiên trong cơ thể người đều không gây hại, Một số có thể có lợi do chúng tham gia vào các quá trình chuyển hóa và bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây bệnh.

công dụng thuốc kháng sinh

Các bệnh lý cảm, cảm cúm, ho, đau họng, viêm phế quản thường gây ra bởi virus, và trong trường hợp này, việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Bác sĩ sẽ đánh giá và kê đơn cho bạn thuốc giảm triệu chứng viêm hoặc thuốc kháng virus nếu cần.

Một số trường hợp chưa xác định được nguyên nhân nhiễm là do vi khuẩn hay virus, bác sĩ sẽ cho thêm các xét nghiệm vi sinh trước khi kê đơn thuốc điều trị.

Tác dụng phụ của kháng sinh

Kháng sinh thường có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa vì thuốc diệt cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tác dụng phụ hay gặp là nôn ói, tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, v.v. Ngoài ra, một số kháng sinh có tác dụng phụ trên các hệ cơ quan khác như thần kinh, tim mạch, hệ tạo máu, hệ tiết niệu, đặc biệt trong trường hợp dùng thuốc quá liều cho phép.

Làm thế nào để điều trị kháng sinh một cách hiệu quả nhất?

Cần chắc chắn rằng kháng sinh có hiệu quả khi bạn thật sự cần đến loại thuốc này:

  • Luôn hỏi ý kiến bác sĩ rằng lựa chọn kháng sinh trong trường hợp này đã tối ưu hay chưa?
  • Không phải các kháng sinh đều có tác dụng như nhau, thế nên không dùng kháng sinh được kê cho người khác với chỉ định khác.
  • Cần bảo vệ bản thân khỏi vi sinh vật gây hại bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng bằng nước sạch.
  • Cần tiêm phòng vaccine cúm và các vaccine khác theo hướng dẫn của bác sĩ cho từng độ tuổi và bệnh lý mắc kèm.

F0 có dùng kháng sinh được không?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo F0 tại nhà không tự ý uống kháng sinh do thuốc này không có tác dụng điều trị Covid, có thể ảnh hưởng chức năng gan, thận và gây kháng thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, thành viên nhóm bác sĩ quân y tư vấn F0 tại nhà, ước lượng có tới 90% F0 tại nhà đề cập tới kháng sinh khi xin tư vấn dùng thuốc. Nhiều người không liên hệ được y tế, ra hiệu thuốc được người bán khuyên dùng. Số ít tỏ ra không tin tưởng bác sĩ dù đã được cảnh báo, tự ý mua thêm với tâm lý “thừa còn hơn thiếu”, “sợ virus chạy vào phổi, uống thuốc để đề phòng”… “Có trường hợp bác sĩ còn cẩn thận kê hai loại kháng sinh khi gặp F0 bị ho nhiều, viêm họng”, ông Hoàng nói.

Theo bác sĩ Hoàng, có ba nhóm kháng sinh đang bị lạm dụng điều trị cho F0 tại nhà, liều lượng trong đơn thuốc cao hơn so với khuyến cáo như: Nhóm macrolid gồm erythromycin, azithromycin và clarithromycin; nhóm β-lactam gồm amoxicillin/clavulanic, cefuroxime, cefradin, cefixim; nhóm Quinolon ví dụ ciprofloxacin, levofloxacin.

Xem thêm: Chuyên gia Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo cách chủ động phòng và hỗ trợ điều trị di chứng phổi hậu Covid-19

F0 có dùng thuốc kháng sinh được không?

Khi sử dụng không đúng chỉ định, các thuốc này làm tăng gánh nặng cho gan, thận. Một số sản phẩm có tác dụng phụ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em dưới 12 tuổi.

Nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng gây ra kháng kháng sinh. Đây là tình trạng thuốc không thể tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, hoặc ký sinh trùng gây bệnh. Hậu quả là liệu pháp điều trị không hiệu quả, người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng thông thường hoặc nhiễm khuẩn bệnh viện mà không có thuốc phù hợp để điều trị.

Tại Việt Nam, kháng sinh nằm trong danh mục thuốc phải do bác sĩ kê đơn. Theo bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn, việc người dân tự ý mua về uống là sai quy định và không có lợi cho sức khỏe.

“Kháng sinh sử dụng để điều trị vi khuẩn gây nhiễm trùng, không có hiệu quả điều trị Covid-19 vì bệnh này do virus gây nên”, bác sĩ Tuấn giải thích. Trong khi đó, F0 tại nhà thường rất ít bị nhiễm trùng do sống trong môi trường tương đối sạch. Kháng sinh nên được sử dụng cho các F0 điều trị tại bệnh viện, môi trường dễ lây nhiễm chéo.

thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị F0

Bác sĩ Hoàng cho biết thêm kháng sinh cần thiết cho người dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Song, nhóm này cũng cần được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.

Các chuyên gia khuyến cáo F0 tại nhà cần bình tĩnh điều trị, tham khảo tư vấn bác sĩ khi sử dụng thuốc. Bác sĩ Hoàng cho biết mọi người không nên vội vàng uống kháng sinh khi có biểu hiện ho, đau họng. Thay vào đó, F0 có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược giảm ho.

Khi ho khan kéo dài gây mệt mỏi, khó ngủ, đau bụng, người dân có thể dùng thuốc hoặc siro có alimemazin hoặc diphenhydramin. Đây là các chất có tác dụng giảm ho, chống dị ứng, an thần. Nếu bệnh diễn biến nặng, F0 nên thông báo ngay cho cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Nguồn: VnExpress

ƯU ĐÃI MỚI
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
Tình trạng gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu bình thường của tim làm ngừng trệ dòng máu tới các cơ quan gọi... Xem thêm >>
FacebookTweetLinkedIn Mụn trứng cá là một vấn đề phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên. Rối loạn gây ra bởi sự... Xem thêm >>
FacebookTweetLinkedIn Bệnh tiểu đường và huyết áp cao là những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận, nhưng cũng có... Xem thêm >>

Ngày 16/11/2022

LinkedIn

© 2019 Dr.Khoa | Designed by OneHealth

đã đăng ký