Theo WHO, tình trạng hậu COVID-19, còn được gọi là “COVID kéo dài”, đề cập chung đến nhóm các triệu chứng lâu dài mà một số người gặp phải sau khi đã mắc COVID-19. Những người gặp phải tình trạng hậu COVID-19 đôi khi được gọi là người mắc COVID kéo dài.
Mặc dù hầu hết những người mắc COVID-19 hồi phục hoàn toàn, một số người gặp phải các tác động từ trung hạn đến dài hạn sau khi khỏi bệnh. Một vài các triệu chứng điển hình là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức (ví dụ, lú lẫn, hay quên hoặc thiếu tập trung và minh mẫn). Một số người cũng gặp phải các tác động tâm lý hậu COVID-19.
Những triệu chứng này có thể kéo dài từ khi mới nhiễm virus hoặc phát triển sau khi khỏi bệnh. Chúng có thể đến và đi hoặc tái phát theo thời gian.
Tình trạng hậu COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày của một người, ví dụ như ảnh hưởng đến công việc hoặc khả năng chăm sóc gia đình, theo WHO.
Mục Lục
Hậu COVID-19 được xác định như thế nào?
Tình trạng hậu COVID-19 được định nghĩa là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 nghi ngờ hoặc đã được xác nhận; thường trong vòng ba tháng kể từ khi bắt đầu khởi phát COVID-19, với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng. Các triệu chứng và ảnh hưởng của tình trạng hậu COVID-19 không thể được giải thích bằng một chẩn đoán thay thế.
Triệu chứng phổ biến nhất của hậu COVID-19 là gì?
Cũng theo WHO, các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng hậu COVID-19 bao gồm:
- Mệt mỏi
- Khó thở hoặc thở gấp
- Các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung hoặc giấc ngủ
- Ho dai dẳng
- Tức ngực
- Đau cơ
- Mất khứu giác hoặc vị giác
- Khó nói
- Trầm cảm hoặc lo lắng
- Sốt
Do đó, những người gặp phải tình trạng hậu COVID-19, còn được gọi là “COVID kéo dài”, có thể gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày bởi những triệu chứng trên.
Làm gì khi gặp triệu chứng hậu COVID-19?
Nếu bạn nghĩ mình có thể đã phát triển tình trạng hậu COVID-19, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn xác định xem có phải bạn đang mắc hậu COVID hay không và tư vấn cách kiểm soát các triệu chứng.
Hiện tại, không có liệu pháp điều trị bằng thuốc cụ thể cho những người mắc hậu COVID-19. Tuy nhiên, có dữ liệu cho thấy rằng chăm sóc toàn diện, bao gồm cả phục hồi chức năng, có thể hữu ích. “Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu lý do tại sao một số người phát triển tình trạng hậu COVID, cơ chế đằng sau sự phát triển của hậu COVID-19 và cách quản lý nó tốt nhất”, WHO cho biết.
Làm gì để bảo vệ bản thân trước hậu COVID-19?
Cách tốt nhất để tự bảo vệ bản thân trước tình trạng hậu COVID-19 là tránh nhiễm virus ngay từ đầu. Các biện pháp phòng ngừa COVID-19 là tiêm vaccine, tuân thủ các biện pháp sức khỏe công cộng, cụ thể như sau:
- Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác
- Đeo khẩu trang vừa vặn che mũi và miệng
- Mở cửa sổ
- Ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay
- Rửa tay thường xuyên
- Tiêm vacxin ngay khi đến lượt
Một số lưu ý nhỏ về Covid
Cho đến gần đây, vẫn còn rất ít nghiên cứu về những đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID kéo dài. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố đã tìm ra những yếu tố có thể góp phần gây ra COVID kéo dài.
Các nhà nghiên cứu đã xác định 4 yếu tố nguy cơ chính của hậu COVID:
– Sự hiện diện của các tự kháng thể cụ thể
– Tải lượng virus (RNA) cao
– Bệnh tiểu đường loại 2
– Sự tái hoạt động của virus Epstein-Barr, loại virus ẩn mình trong máu của hầu hết mọi người sau những căn bệnh nhiễm trùng thời thơ ấu.
(Nguồn: WHO)